In bài này
Bài này thuộc tiểu mục: Tưởng Niệm Nhà Thơ Thanh Thủy
Số lần đọc: 627

 

Đọc Thơ Thanh Thủy

bài viết của Hà Chính Trực.

Thật là một vinh-dự cho tôi nhận được thi-phẩm "Thanh Thủy", đề tựa của tập thơ cũng chính là bút hiệu Thanh Thủy của tác giả gửi tặng như là một món quà tri kỷ, vô cùng quí giá.
“Thanh Thủy Thượng” chính là quê hương muôn vàn yêu dấu nơi khai sinh, chôn rau cắt rún của tác giả.

Theo Ông Lê Bá Kỳ: “Địa danh làng trước đây là làng Thanh Tuyền sau vì phạm húy Vua Thiệu Trị nên đổi lại thành làng Thanh Thủy. Làng có ruộng vườn trù phú, cuộc sống yên vui nên người ta thường hát câu:

 “Ai về cầu ngói Thanh Tòan,
 Cho em về với một đòan cho vui”

Theo tục truyền, làng Thanh Tòan về sau ngày càng phát triển, con cháu đông vui nên làng bắt đầu mở rộng đất đai từ đó mà chia thành hai làng Thanh Thủy Hạ (hay còn gọi là Thanh Thủy Chánh, chánh gốc của làng Thanh Tòan) và Thanh Thủy Thượng được xây dựng ở khu đất cao ráo hơn, có ruộng đồng phì nhiêu, có núi non bề thế.  Làng Thanh Thủy Thượng gồm cánh đồng bát ngát về phía đông với diện tích 648 mẫu ruộng công điền và 32 mẫu ruộng sa hòang, núi độn Sầm bao bọc ruộng vườn kéo dài về hướng tây, qua khe Là Ngà giáp với độn Hòang mà trung tâm là chùa Bà Hòang (ngày nay gọi là chùa Hoa Nghiêm)

Dân làng Thanh Thủy Thượng lấy nho giáo làm căn bản nên bên cạnh đình chùa còn có văn thánh (thờ đức khổng phụ tử và các danh nhân) và rất sùng đạo phật từ đó mà làng xây dựng nhiều chùa. Chùa thanh Quan (chùa làng), Chùa Đông Hải (cổ xưa), Chùa Kim Sơn (kỳ cựu) Chùa Nam Sơn (tiến bộ), Chùa Diệu Viên (Sư Nử), Niệm phật đường Phù Cát và Chùa Hoa Nghiêm (Bà Hòang). Xưa kia dân làng thường được nghe tiếng chuông chùa Đông Hải văng vẳng bên tai là mẫu mực của thời gian mà định hướng công việc.”

Cuộc sống trong làng trải qua biết bao chuyển biến mà lòng người vẫn giử lấy cội nguồn, tập tục ông bà để lại, nên việc thờ cúng tổ tiên, bảo vệ các di sản đình miếu vẫn được thực hiện tốt. (Lê Bá Kỳ)

Đình Làng Thanh Thủy Chánh

Và chính những nỗi nhớ nơi quê xa đất cũ ấy, chồng chất trong tâm hồn người thơ, để chính tác giả phải trăn trở bộc trực “Tôi xin nhận lấy tên Thanh Thủy” cho tập thơ mang cùng đề tựa. Có nỗi buồn nào ray rứt da diết ngấm tận hồn bằng nỗi sầu nhớ cố hương, quê cha đất tổ: cái nỗi nhớ dai dẳng, mênh mang, thăm thẳm và loang rộng không bến bờ , làm xao động tâm hồn khôn nguôi ...

Thanh Thủy làng tôi ngày xưa ấy
Ngày nay mất hẳn tiếng thôi nôi
Tôi xin nhận lấy tên Thanh Thủy
Để nhớ, để thương đỡ ngậm ngùi

(Để ghi nhớ ngày trở lại quê nhà làng Thanh Thủy Thượng ngày 01-5-1997- Đinh Sửu)

Mỗi con người Việt Nam ít nhiều đều tiềm ẩn chất chứa một cõi Quê Hương trong đó, những tình cảm vui buồn thấm sâu vào từng tấc đất, ngọn cỏ, những phút giây tưởng nhớ đến quê nhà làm dịu bớt những phiền muộn u uẩn dày vò thân phận kiếp ly hương, để cảm thấy như có một sức sống mới đang bừng trỗi dậy . Cái hồn quê sâu đậm ẩn dật trong cảnh vật thiên nhiên, chân thành và tha thiết, vẫn luôn làm rung động tâm hồn người, đã đem lại nhiều ấn tượng đậm đà nuôi dưỡng hồn thơ .Những khung cảnh dấu yêu của một thời xa xưa, nơi quê xa chốn cũ đã đem lại nỗi rạo rực xao xuyến cho tâm hồn thơ qua những ngôn ngữ thân thương trìu mến . Phải chăng những hình ảnh của dĩ vãng xa xăm ấy đã làm tác giả tìm thấy "bản lai diện mục" của mình. Quê hương chính là phù sa đã bồi đắp gầy dựng suy tư và cảm xúc thơ của Thanh Thủy:

Tôi yêu sương khói lam chiều
Tôi yêu tà áo yêu kiều nguyên trinh
Của đàn bướm trắng xinh xinh
Những giờ tan học rập rình phố xe. 

Đẹp hơn những buổi trưa hè
Nón bài thơ đội quai se vải hồng
Gió bay mái tóc phiêu bồng
Nói như chim hót, cười trong như diều.

(Yêu Quê)

Tác giả dấn thân vào cõi thơ một cách tự nhiên, đã mạnh dạn và có bản lĩnh cất lên tiếng hát riêng tư của mình, tác giả không tự nhận mình là thi sĩ, mà làm thơ là vì tri kỷ, bạn tri âm, để trang trải nỗi lòng, gửi gắm tâm tư mình:

Tôi làm thơ không là thi sĩ
Tôi làm thơ không là thi nhân
Tôi làm thơ để là tri kỷ
Của những nguời yêu những vần thơ.

Thơ chân thành bộc phát từ trái tim con người, sống động vì tình bạn tri âm, dịu ngọt vì tình người, tình yêu thiên nhiên, không gò bó, câu nệ:

Bạn về tôi trở thành thi sĩ
Viết những bài thơ nén chuyện lòng
Tình bạn đôi ta như nắng hạ
Như hoa phượng đỏ đốt dòng sông

(Ngập Ngừng)

Đường vào tình yêu có "trăm lần vui có vạn lần buồn", nhưng cuộc tình trong trí tưởng của người thơ dù trong dĩ vãng xa xăm nào đó vẫn mang màu sắc đẹp đẻ tuyệt vời, và cái dĩ vãng đẹp đó chính là mảnh đất phì nhiêu cho hạt thơ nẩy mầm để đơm bông kết trái:

Em là đóa hoa trên túi áo anh mang
Anh là dũng tướng của lòng em ao ước.

Đẹp như trăng lồng đáy nước
Như sao băng trong lúc tối trời
Như cánh buồm lộng gió biển khơi
Như tất cả của những gì đẹp nhất.

(Nếu)

Tình thơ của Thanh Thủy còn bao gồm tình gia đình bao dung thắm thiết, đầy ắp nhân bản và tình người. Những vần thơ với nét đẹp dịu hiền, trung hậu, như những nguồn nhựa sống làm xanh thắm cuộc đời, là những hạt nhân gieo vào mỗi tâm hồn chúng ta một bài học về khiêm tốn, hiền hòa, thiện tâm, để tôn vinh và nuôi dưỡng một giá-trị tinh-thần đạo-lý của cội nguồn bản sắc gia-đình và dân tộc:

Năm nay các cháu lại về thăm
Ba cháu, ba con xuống thuyền rồng
Mừng thọ ông bà thêm tuổi thọ
Bạn bè thân thích đón vui chung
Ông ca, cháu hát, Sông Hương nhạc
Phượng đỏ chia vui cũng trổ bông

(Tiễn Đưa)

“Mẹ ơi! Tiếng mẹ thật thiêng liêng!” là hình tượng của những chắt chiu, nhân hậu, chân thành, là những cảm xúc thân quen nhất, là những nét đẹp vĩnh hằng, của một trái tim đã rung lên muôn ngàn cung bậc, giữa khung đời xao động, trong khu vườn thơ ấu hồn nhiên và vô tư thuở nào. Hãy nghe những lời bộc bạch chân tình gửi gắm của đứa con xa quê mất Mẹ:

Chao ôi tiếng mẹ thật thiêng liêng
Thơ ấu “Mẹ ơi” khóc liền liền
Khôn lớn “Mẹ ơi” khi đau khổ
Khi buồn, khi tủi, lúc cô miên.

Tuổi già, gương mẹ đem dạy dỗ
Con cháu noi gương đấng mẹ hiền.
Mẹ, suốt đời con, con nhớ mẹ,
Mẹ ôi! Tiếng mẹ thật thiêng liêng!

....

Dừng bước, than ôi! Mẹ mất rồi!
Đau lòng nhớ lại tháng ngày trôi
Mẹ buồn, con khổ, trong xa cách
Thương tiếc bây giờ nói với ai!

(Mẹ / Kỷ niệm ngày giỗ thứ 17, 1997)

“Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra” (ca dao) … Hình ảnh của người Cha chất phát nhân hậu trong tâm hồn Thanh Thủy là hình ảnh không thể nào quên được, làm tôi liên tưởng đến bài thơ Anh Ngữ của một tác giả vô danh:
“You've been everything to me: a father,
Teacher, playmate, model, conscience, friend…”

Hình ảnh của người Cha nhân ái đã cho tác giả thân thể và trí tuệ để vương vai sống thẳng trên đời, với tất cả cảm xúc chân thành, không cầu kỳ cao xa, trong cái bao la nhân hậu của tình yêu thương gia đình vô bờ bến như biển cả đại dương chìm đắm trong ánh dương hồng phơi phới …

Cha đã cho con thân thể này
Cho con trí tuệ với đôi tay
Cho con ánh sáng vừng dương đẹp
Cho cả bầu trời để rộng bay

Chỉ tiếc vì cha đã xa bay
Khi con bé dại với thơ ngây
Hụt hẩng cuộc đời trong gian khổ
Khốn khổ gian lao với tháng ngày.

....................

Lời cha con viết để mai sau
Là một phương ngôn ở hàng đầu
Cháu, chắt đời đời ghi nhớ mãi
Sự nghiệp nhà ta mãi tô màu

(Gửi Cha/ 25 tháng 10 Mậu Dần)

 AAA

 

Vườn thơ của Thanh Thủy man mác âm hưởng Đường Thi. Tác giả đã dẫn dắt người đọc bước vào thế giới Đường Thi, một vũ trụ 

 

Thơ mênh mang bát ngát vô chung vô thủy, vào một thế giới huyền thoại của tác động và mỹ thuật , của biểu cảm và hình tượng , có khả năng khêu gợi và cuốn hút tâm tư người đọc. Đọc bài thơ “Màu Thời Gian” của Thanh Thủy:

“Rồi đến hôm nay đứng trước gương
Nhìn đầu tóc trắng tựa như sương
Ngậm cười mà bảo “Ôi mình đã
Bảy bảy (77) lần xuân lấm bụi đường”

(Màu thời gian)

làm tôi liên tưởng đến 2 câu “Gian nan khổ hận phồn sương mấn / Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi” (Phơ phơ tóc trắng đời chao đảo / Lắm nỗi chua cay, rượu chẳng đành) trong bài thơ “Đăng Cao” của Đỗ Phủ . Tác giả Thanh Thủy vẫn ung dung tự tại, mĩm cười mặc cho màu thời gian đổi thay qua bao thăng trầm của cát bụi phù du vô thường. Qua bài thơ “Viếng cảnh Đồi Vọng Phu xứ Lạng” 1992, tác giả đã diễn đạt bằng ngôn ngữ giàu hình tượng và cảm xúc của một thời Đường Thi “ Vọng phu xứ /Giang du du /Hóa vi thạch /Bất hồi đầu /Sơn đầu nhật nhật phong hòa vũ /Hành nhân qui lai thạch ưng ngữ “ (Vương Kiến)

Bài thơ man mác trữ tình diễn tả tình cảnh chua xót đau lòng của người vợ đứng đợi chồng bên dòng sông mênh mang sóng nước bập bềnh trôi vô tận, giữ đất trời mênh mông tĩnh mịch, nhưng đôi mắt đăm chiêu của người vợ vẫn hướng mãi về phía chân trời mà người chồng đã một lần ra đi. Người vợ vẫn chờ đợi mãi, thách đố cả thời gian bao la, và không gian vô tận, nhưng người chỗng vẫn biền biệt ở một khung trời xa xăm nào đó, đến khi người vợ hóa thành đá xanh, đứng mãi ngàn năm, vẫn ngong ngóng đợi :

Gió thổi, mây bay, núi đợi chờ
Nhớ thương năm tháng đứng chơ vơ
Rừng xanh nay đã thành núi đá
Mây hỡi! Bây giờ mây ở mô

Mây ở nơi mô? đá hóa người
Bồng con đứng đợi lệ khô rồi
Năm canh trăng rọi lòng son sắt
Sáu khắc trời soi dạ đơn côi

Đưa cái đơn côi thiên hạ ngắm
Để làm gương sáng chị em soi

(Viếng cảnh Đồi Vọng Phu xứ Lạng 1992)

Khi Lý Bạch độc ẩm dưới trăng, ông đã sáng tác một chùm thơ Nguyệt Hạ Độc Chước gồm 4 bài. Giữa bầu trời rộng rãi bao la, màn đêm vô tận được thắp sáng bởi những vì sao lấp lánh và vầng trăng lộng lẫy, chỉ một mình nhà thơ với bầu rượu "hoa gian nhất hồ tửu, độc chước vô tương thân". Trong trí tưởng tượng dạt dào vô biên của nhà thơ, ông cảm thấy vầng trăng kia, và chính cái bóng đen mờ ảo của người thơ đã biến hóa thành hai người, cộng thêm với nhà thơ thành ba người bạn tri âm, cùng nhau nâng chén say sưa. Nhà thơ đã không còn cảm thấy cảm giác cô đơn để độc ẩm một mình dưới trăng.Trí tưởng của Thanh Thủy cũng đã bay vút cao vào vũ trụ nhẹ nhàng, yên tịnh, thanh thoát để cùng với chính bóng mình, cùng “hoàng hoa” nhập hội với vầng trăng “càng uống càng say sự tình” để ngậm ngùi cảnh chia ly giữa kẻ nam người Bắc . Thật thấm thía làm sao, trước cảnh uống rượu xong, nửa vầng trăng vẫn nẵm đáy ly đọng sầu ….

 Trăng vàng bàng bạc bao la
Ai đem rải khắp sơn hà Việt Nam
Trung thu trăng sáng mơ màng
Hoàng hoa uống với trăng vàng mà say
Tâm tư buổi rượu Thu này
Rượu trăng càng uống càng say sự tình.
Hai ta hay của chúng mình
Kẻ Nam người Bắc mãnh tình chia đôi
Nửa vừng trăng sáng trên trời
Nửa vầng nằm đáy ly tôi đọng sầu
Ngồi đây mà nhớ về nhau
Hoa ơi ! có thưởng trăng sầu hôm nay
Ba ba năm ấy giờ này
Nhớ nhau chẳng biết rượu đầy hay vơi
Rượu say quên cả đất trời
Còn bầu tâm sự nhớ người trời Nam.

 (Trung thu Đinh Sửu 1997 Thanh Thủy thượng thôn)

 Trăng là món quà vô giá, tuyệt vời, thanh tao của Thượng Đế đã ban cho thiên nhiên, vũ trụ và con người..."Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi" (Tản Đà).Trăng là chứng nhân muôn đời cho những suy tư thầm kín, đời sống nội tâm, xúc cảm riêng tư, và mộng mơ tình tứ, thi vị của con người .Trăng có sức quyến rũ mãnh liệt, lạ thường,  một gợi cảm vô cùng, xáo động nội tâm, là nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao tao nhân mặc khách, cho những vần thơ xao xuyến trữ tình của nhiều thi nhân. Trăng của đất trời sáng soi khắp nẻo đường thế gian, nhưng mỗi cảm xúc trăng mang một đặc trưng thầm lặng, khác biệt tùy theo suy tư và cảm thụ của từng cá nhân, của mỗi tâm hồn, một đặc trưng riêng biệt như Thanh Thủy đã gửi gắm

Trăng ơi ! Trăng hãy vào đây
Tay đâu trăng gối, mặt đâu trăng sờ
Nỏn nà trăng đẹp hơn mơ
Bao nhiêu mộng ước bây giờ là đây.

 (Trăng đẹp cuối đông Đinh Sửu 15/1/1998)

 

Những cảnh sắc "vô tình" của màn đêm huyền ảo với trăng, sương chập chùng, nhưng rất là "hữu tình" đã đem lại những cảm xúc nao nao xót dạ, đã đưa người thơ đi tìm lại những mảnh ký ức, hồi tưởng một hình bóng duyên dáng, một sắc
màu chập chờn ẩn hiện gắn bó, khó mà quên …

 Hôm nay em trở lại thăm tôi
Giữa lúc đêm khuya đẹp tuyệt vời
Mỗi bước em đi vàng mặt đất
Lung linh lá động hạt sương rơi.

 Vén màn qua cửa em mơn trớn
Cho ánh vàng bay ngập cả phòng
Hoa mắt ! đẹp ôi ! người cõi mộng
Đưa tay đón bắt vốn thinh không.

 Trở lại thăm nhau thế đủ rồi
Từ từ gót ngọc, tiễn nhau ôi
Non đoài em cố đưa tay vãy
Khuất bóng em rồi còn một tôi.

 Tôi trở vào chăn thật lạnh lùng
Một đêm sáng đẹp giữa trời đông
Em ở , em đi, tôi vẫn thế
Tình mình như thế cũng bằng không.

 (15/3/1999)

Bốn mùa hoa lá thay màu, đâm chồi nẩy lộc sẽ tuần tự biến thiên theo định luật vô thường của vũ trụ …nhưng có lẽ mùa Thu quyến rũ luôn ẩn hiện man mác trong trái tim mẫn cảm của người thơ Thanh Thủy.Thi nhân ca ngợi một mùa Thu mênh mang, một tình Thu dịu vợi, một ý Thu bàng bạc, một hồn Thu lâng lâng, trầm lặng đến nao lòng của trăng sương, gió núi, với những phút giây thanh thản hồn nhiên. Đó là những tiếng tơ lòng khao khát ngân vang trầm mình trên những phím đàn thơ thánh thót dưới ánh trăng ngà:

Trời chẳng biên cương nhìn vô tận
Không gian vũ trụ thật mênh mông
Giòng nước về đâu triền miên chảy
Thuyền chở trăng đi một nỗi lòng
Trung Thu này nhớ Trung Thu trước
Trăng lạnh vàng trong rải mặt hồ
Tóc xỏa bờ vai nhìn tha thướt
Người xưa bóng ngủ ở nơi mô ?

Với nhà thơ Thanh Thủy, mùa thu được cảm nhận dưới nhiều góc độ khác nhau , bằng nhiều giác quan chân thành và bình dị Mỗi độ Trung Thu về đã đem lại cho người thơ những nỗi buồn xa xăm, thương nhớ, những mộng mơ đắm say, những rạo rực tuôn trào, mỗi cảm quan là mỗi cảm nhận khác biệt hồn nhiên…
Tình và cảnh đã quyện nhau trong một bức tranh thơ diễm tuyệt:

 Đã mấy Trung Thu trà nhạt nước
Ngồi cùng trăng lạnh ngập không gian
Chao ôi có biết ai thương nhớ
Thương nhớ Trung Thu ngập ánh vàng

 Trung Thu đêm ấy cùng thưởng ngoạn
Cùng uống trăng vàng tận đáy ly
Cùng đút cho nhau hương nguyệt quế
Son còn dính áo lệ hoen mi

 Hôm nay nguyệt lãm dưới trời thu
Một tách trà trong dưới trăng lu
Nhìn tận đáy ly không thấy bóng
Thu buồn thêm nữa một Trung Thu.

Cái sâu thẳm của hình ảnh Thu gợi cảm, mang âm điệu tự nhiên, với những ngôn từ chất phát chân thật chính là những tiếng lòng ngân vang, đọc xong cảm thấy man mác buồn nhớ lại mấy câu thơ “Thu Phố Ca” của Lý Bạch :“Bạch phát tam thiên trượng/Lục sầu tự cá trường/Bất tri minh kính lý /Hà xứ đắc thu sương” (Dặm trường tóc trắng mây bay /Sầu bao nhiêu nỗi đong đầy khôn vơi /Thẫn thờ lặng ngắm gương soi /Sương thu nào thấy bên đời phù du? …)

Tác giả ThanhThủy chắc hẳn đã xao xuyến nhớ lại những ngày thơ mộng thật xa xôi , nhớ những hờn dỗi, những nôn nao hẹn hò đợi chờ, những hân hoan nồng thắm, lặng lẽ và sâu kín,
những “kỷ niệm lòng” ngập lá vàng bay, để bâng khuâng xao xuyến , để ray rứt nhớ thương . Phải chăng đó là
những bông hoa kỷ niệm muôn vàn yêu dấu, ngan ngát hương thơm được nhà thơ nâng niu cất dấu trên những bức Tình Thư diễm tuyệt...

 Sáng nay thu đến bên song cửa,
Lá vàng nhè nhẹ bước qua song
Lòng ngập tràn lên niềm thương nhớ!
Nhung nhớ ngày thu “kỷ niệm lòng”

 Ngày ấy thời gian thật xa xôi,
Một mùa thu đẹp tuổi đôi mươi,
Bên nhau lặng ngắm hoa vàng nở
Âu yếm mà không nói một lời.

 Cuối nẻo trời xa đôi nhạn bay
Nhìn qua song cửa thật đắm say
Bảo rằng “đôi nhạn về đâu nhỉ”?
Chắc dắt nhạn về tổ ấm đây.

 Mộng ước tuy thành lại vẫn không
Đời trai còn nợ với non sông,
Nàng là cô gái bên song cửa
Một buổi chia tay thật não lòng.

 Chợ đời chen lấn mãi ra đi
Nợ nước thân trai có nghĩ gì
Chỉ nghĩ tang bồng khi rũ sạch
Trở lại thu xưa có muộn chi.

 Nhưng rồi lịch sử lại sang trang
Với những mùa thu lá úa vàng
Non nước nhuốm thêm màu ủ rủ
Kỷ niệm ngày thu cũng bẽ bàng.

Bước vào cõi thơ Thanh Thủy, ngoài những tình yêu nam nữ, gia đình, thiên nhiên, quê hương v.v.. còn thấy có một cái gì sâu đậm rất suy tưởng triết lý, cái vô thủy vô chung của không gian, thời gian, đối lập với cái cô đơn nhỏ bé của một kiếp người. Giữa cõi sống và cõi chết chỉ cách nhau một bước, đã đem lại sự suy tư thầm kíncao siêu cho tác giả. Hãy nghe lờibộc bạch chân tình của tác giả, khi chứng kiến cuộc đời chỉ là phù du, cõi tạm, là quán trọ giữa cát bụi vô thường :

Bước vào phòng một màu trắng trinh nguyên,
Nghe thoáng nhẹ một hơi buồn lặng lẽ,
Thân bệnh hoạn rơi nặng nề lên nệm nhẹ.
Một ý thơ chợt đến rồi vội đi.
Thân nặng nề nằm đó có biết chi
Hồn vơ vẫn nơi nào chẳng biết
Thân bệnh hoạn ưu sầu da diết
Chẳng biết mình đi ở thế nào đây
Ở bên kia, ai đón và ai đưa
Hay vắng lặng giữa núi rừng băng giá...

(Một Cơn Đột Qụy/ Ngày vào viện 115 Nguyễn Tri Phương 21-9-2001)

Những biểu tượng thâm thúy, những tín hiệu bàng hoàng đã thu hút và dẫn dắt tâm tư người đọc vào một thế giới cao siêu để tự suy niệm về kiếp nhân sinh của con người quanh quẩn trong cuộc sống phù trầm đầy oan khiên nghiệp chướng nầy :

 Đất không chôn chặt được lòng ai
Vùi lấp thịt xương đỡ thối đời.
Xác mất, mất theo đường tạo hóa
Hồn còn, còn mãi với ngày mai.
Hận vẫn đi sâu theo tiềm thức
Thù chưa trả hết dễ nào phai
Chết là đổi kiếp cho ngày mới
Đất không chôn chặt đươc lòng ai.

 (Chết)

 Tám mươi ba tuổi, tuổi hòang hôn
Chẳng sợ, chẳng lo, cũng chẳng buồn.
Chừng ấy xuân đi, xuân lại lại
Bấy nhiêu tết đến, tết còn còn
Luân hồi quay tít, người thay đổi
Vũ trụ tuần hòan, cảnh dập dồn
Dù sống bao lâu rồi cũng vậy
Tà dương dẫu đẹp, cận hòang hôn

Nguồn thơ Thanh Thủy phong phú đa dạng, lúc vui, lúc buồn. Có những khi tác giả cảm thấy vô tư hồn nhiên, biểu lộ cái chất phát chân thật trong lòng, để đem những thú vị, những phút giây thỏai mái cho người đọc qua những vần thơ “tếu”, trào phúng, hóm hỉnh, nghịch ngợm, nhưng đầy tế nhị tác giả đã đặt câu, chọn chữ, “chơi” chữ một cách công phu, mang những hình ảnh sống động diễn đạt trọn vẹn sự dí dõm vui tươi như phiếm luận về “râu”:

 Cái thú tuổi già thú vuốt râu
Vuốt râu giải tỏa nỗi ưu sầu
Vuốt râu đem lại niềm sảng khoái
Thi tứ dồi dào ý nghĩa sâu !

 Không râu nhìn lại thật không duyên
Cằm láng trơn tru tưởng vợ hiền
“Bạch bảng” có câu nghèo mãn kiếp
Yêu cầu giải tỏa kiếp thuyền quyên.

 Râu có thanh tân, có lộn lèo
Râu nhiều, râu quặp, lại râu queo
Nhìn râu biết rõ người sơ thiển
Phản trắc, văn nhân, sợ vợ, nghèo !

Tác giả Thanh Thủy đã tìm thấy nguồn đề tài đặc biệt mới lạ phong phú từ những sự kiện không gian từ thuở truyền thuyết khai thiên lập địa “Chu’ Cuội và Chị Hằng” nhập vào thế kỷ hiện đại với phi thuyền Apollo 11 đưa phi hành gia Neil Armstrong đặt chân đầu tiên lên mặt trăng, để tô đậm tính chất khôi hài, nhiều tưởng tượng, đầy nghệ thuật:

Trung thu này HUẾ không trăng
Minh Hoàng phán hỏi chị Hằng đi đâu
Thanh Thủy tôi mới trình tâu :
Hằng Nga đã ngủm từ lâu kia rôi
Từ ngày AMSTRONG lên chơi
Hằng Nga đã hóa đá vôi (từ) bao giờ
AMSTRONG xé cả trời thơ
AMSTRONG giết chết giấc mơ Minh Hoàng
Cây đa cũng đã gảy tan
Chú CUỘI cũng xuống trần gian ái tình
Không trăng Thanh Thủy một mình
Uống trà, ăn bánh một mình thơ ngông 

Có những bài thơ đôi khi cũng đậm nét cay đắng nghiệt ngã, cho số phận long đong, cho những khoảnh khắc không may của cuộc đời mà tác giả phải cam chịu “ngậm bồ hòn” đắng cay. Ngoại cảnh và thời cuộc đã chi phối và ảnh hưởng sâu đậm trên ý hướng muôn chiều của thơ...

 

Đời mình nghĩ lại đáng nực cười
Có có không không chịu mệnh trời.
Cách mạng mấy năm đành mất đất
Quốc gia một thưở H.O ôi !
Kinh tế mười năm xoa tay trắng
Vượt biên bảy lượt vẫn không trôi.
Kiến bò luẩn quẩn quanh miệng chén
Cuộc sống trơ như đĩa phải vôi

(Số)

Tuổi già không ớt cớ sao cay
Tha thít xúyt xoa ngày lại ngày
Không khóc mắt mờ đôi ngấn lệ
Chẳng bùng tai cũng chứa hơi đầy
Mồm mở mà môi thì chúm lại
Răng trồi chẳng gió mãi lung lay
Chúc nhau trăm tuổi làm chi nhỉ
Càng sống càng thêm nỗi đắng cay!

(Tự Bạch)

Có những lúc hồn thơ bát ngát hư không, hoà nhập ý Thiền, từng hạt chữ trong thơ đã vươn mình trổi dậy tỏa hương thơm ngào ngạt thầm lặng một cách huyền-diệu ... như trăng lồng nước, như bóng trong gương ..... man mác âm hưởng thiền, bàng bạc tình Đạo bao la:

Trăng vòng cung khuyết trời tây rọi
Chuông động u minh một nét Thiền.

Những vần thơ đã mang một sắc thái siêu thoát, cái bao la suy tư về số kiếp con người, cái triết lý cao siêu của cuộc đời, mang màu sắc vi-diệu, đầy ắp trí huệ thiền tâm, như như những chồi non nhờ cơn gió thiền mà thụ phấn để đâm bông kết trái, đã nói lên sự thuần khiết của nội tâm, sự thanh mẫn của tâm linh Người thơ đã thầm lặng ẩn dật, để cho hồn thơ tự ngân vang và chợt ngộ:

Mênh mông trời xanh thẳm
Bồng bềnh mây trắng bay
Chu du khắp thiên hạ
Đời không đếm tháng ngày 

 

Trong cái cõi thơ bàng bạc, mênh mang, bát ngát Đạo, Đời, Người và Tình của Thanh Thủy Thi-Tập , thi-hứng và thi-cảm đã chắp cánh bay bổng lâng lâng giữa khung trời hoài niệm, chơi vơi trong khu vườn hạnh phúc triền miên, nhưng bỗng tình-cờ hạnh ngộ trong cái duyên khởi của tình tri-thức tri-ngộ, không còn có bến bờ ngăn cách và phân biệt của không gian ngút ngợp, thời gian vô tận và tuổi tác xói mòn, mà chỉ còn là một trái tim Thơ mộc mạc, chân tình và nhân hậu trong cuộc sống của chính tác giả Thanh Thủy và trong những tâm hồn đồng điệu . 

 Tình đã được lan rộng theo nghĩa rộng rãi bao quát hơn : Tình đâu phải chỉ hạn hẹp giữa hai người nam và nữ, mà còn là tình bạn hữu, tri âm, tri kỹ, tình yêu thiên nhiên cây cỏ, tình yêu gia đình, tình yêu tha nhân, tình yêu làng xóm, quê hương tổ quốc, tình yêu Thượng Ðế... không cần phải phân biệt ranh giới giữa văn chương trí thức đổi mới, cách tân ngôn ngữ, với nền văn chương mộc mạc bình dân, hoặc cần phải bận tâm câu nệ phân biệt giữa những từ ngữ phô trương hào nhoáng với chữ nghĩa tiềm ẩn thâm thúy ...Thanh Thủy đã viết rất chân thật và khiêm cung theo tiếng gọi và lý lẽ của chính con tim đôn hậu, và niềm tin yêu thiện mỹ .. Thanh Thủy làm thơ, in thơ không phải để
trở thành thi sĩ, Thanh Thủy đã đến với thơ không kỳ vọng cao sang, đến và sống với Thơ như người bạn tình chung thủy, người bạn tri âm trong cuộc sống, gửi gắm và bộc lộ những ước vọng sâu kín nhất tự đáy lòng thăm thẳm, bao la đôn hậu và chân tình …

Thơ tặng đời tôi , tôi tặng đời
Những dòng tâm sự, những buồn vui
Những điều cảm xúc đời muôn vẻ
Những cái đau thuơng, những ngậm ngùi

 Ba vạn sáu ngàn dễ mấy ai
Ngưng thời gian lại để mà vui
Ngày tháng đi qua như thác đổ
Tóc bạc, răng long đã đến rồi …

 09-2009

 

Mấy vần thơ  xin trang tặng tác giả:

Dòng thơ Thanh Thủy tràn lai láng
Sóng nước Hương Giang dạt mấy bờ
Tri kỷ đâu cần đêm đối ẩm
Bóng hình thấp thoáng hiện trong thơ…

 Hà Chính Trực

 

 

 

Điếu văn của con rể 

Tưởng Nhớ Ba

Tập Ảnh Tang Lễ Thi Sĩ Thanh Thủy Lê Viết Quýt ( phần 1)

Tập Ảnh Tang Lễ Thi Sĩ Thanh Thủy Lê Viết Quýt (phần 2 và hết)

7f0d399a95b12468439de3250f92b892