In bài này
Bài này thuộc tiểu mục: Văn Thơ Nhạc
Số lần đọc: 2178

Ðặc Tính Nhân Bản Trong Thơ Á Nam
Dòng Sông Định Mệnh: Lưu Luyến Nhớ, U Uẩn Tình 

ghi chú : Á Nam và Lựu đến thăm Thi Sĩ Thanh Thủy và Hiền Thê/ Ảnh Gia Đình

Chuyện tình của người con gái mang tên T.T.Kh. xuất hiện vào năm 1937-39 trên làng báo chí Hà Nội đã trở thành một huyền thoại đi vào lịch sử của nền thi-ca tiền chiến, gây sự bàn cãi sôi nổi để tìm hiểu … T.T.Kh. nàng là ai? Là Thâm Tâm, là Nguyễn Bính, là một người nào đó đang lánh mặt? Huyền thoại cũng chỉ là một huyền thoại ….
Bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn giống như một chuyện ngắn nói lên một mối tình oan trái của một người thiếu nữ đẹp ngây thơ thường đứng dưới giàn hoa ti gôn để đợi người yêu đến trong những buổi chiều cuối thu …Và cuộc tình dang dở, người thiếu nữ đã lên xe hoa lấy một người chồng thương gia đã đứng tuổi …     

Từ đó thu rồi thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ?
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy cho nên vẫn hững hờ !
(T.T.Kh)

Những cánh hoa ti gôn mỏng manh có hình dáng trái tim, đã phai tàn rơi rụng, như xác pháo vỡ tan ngày nàng lên xe hoa đi về nhà chồng …để khi gió heo may lướt thướt về trong những chiều tàn thu lá vàng bay lả tả, người thiếu nữ ấy vẫn miên man hồi tưởng lại một mối tình đã ly tan ..

Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng
Người ấy ngang sông đứng ngóng đò…
(T.T.Kh.)

Nhưng âm hưởng tình tứ của bài thơ vẫn còn tiềm tàng cho đến ngày nay…Chỉ cần 3 bài thơ (Hai sắc hoa ti-gôn, Bài Thơ Thứ Nhất, Bài Thơ Cuối Cùng) ký tên T.T.Kh , đã trở thành một đề tài cho bao nhiêu bút mực … Arvers chỉ cần một bài thơ Tình Tuyệt Vọng thổn thức đau đớn hay Verlaine với một bài thơ thu diệu vợi mênh mang mà đã trở thành nổi tiếng …
Dù là một huyền thoại đi chăng nữa … hãy xem T.T.Kh. là tác giả của những bài thơ tình da diết và trăn trở đó …

Gần đây tôi được hân hạnh đọc qua bốn bài thơ của Công Tằng Tôn Nữ Á Nam, một nữ sĩ đất Thần Kinh đã được đăng trên internet với các tựa đề : Tôi Đem Dệt Lấy Làm Khung Vải, Dòng Sông Định Mệnh, Dã Quì, Mai Em Về Huế …đã cùng âm hưởng của những dòng thơ tiền chiến TTKh .. Những bài thơ đó đã đem lại cho tôi một cảm giác mang mang, xao xuyến không cách nào để diễn tả … Đó là những bài thơ tình của rưng rưng thương nhớ, của ray rứt khôn nguôi, và đau đáu thăm thẳm tận cõi lòng…. Câu truyện kể có một chàng trai xứ Quảng do chuyển trường, đã theo học tại trường Quốc Học. Chàng đem lòng thương cô Nữ Sinh Đồng Khánh ở trường bên với cả tấm lòng của người " học trò trong Quảng ra thi, thấy cô gái Huế chân đi không đành". Trai Quốc Học, gái Đồng Khánh .. ông tơ bà nguyệt đã xe duyên tơ tóc bao nhiêu cuộc tình đẹp …. Chim Đồng Khánh xôn xao tình cỏ dại, nắng sân trường Quốc Học ngẩn ngơ xa, em trốn đâu trong vườn hương diệu ảo, ngọn gió nào đến dẫn dắt tôi qua? … Ngọn gió mát rười rượi của dòng sông xanh muôn thuở … Tình yêu của chàng được đáp lại, và là một mối tình học trò với đam mê từng bữa đưa đi học, những bữa nôn nao đón nhau về...Những hẹn hò ngong ngóng, chờ đợi phập phồng bên dòng sông đam mê một thuở nào.. “Nỏ chi mô bên tê buồn rứa .. Chắc chiều ni dỏ dẹ cơn mưa … Thương quá đỗi em dài tóc bím … Em giận hờn anh lỡ một lần đưa.. (H.Đ.) Thời gian trôi qua như một thoáng mây bay, cuộc tình tàn như một cơn mơ, dĩ vãng chỉ còn là một giấc mộng say ….

Một thời Đồng Khánh quá xa xôi
Kỷ niệm đan xen thật tuyệt vời
Tóc em cũng bạc theo ngày tháng
Gần sáu mươi rồi tưởng mới đây…  

Chuyện tình của hai người thật dễ thương và thật lãng mạn như biết bao nhiêu chuyện tình của những kẻ yêu nhau trên thế gian này, nhưng do Định Mệnh, chàng đã đành đoạn ra đi để lại nàng trên cõi trần gian này mà lúc nào nàng cũng bâng khuâng người ấy chừ còn hay đã mất , mà sao thương nhớ vẫn ngút ngàn khôn nguôi. Âm dương ngăn cách chia đôi ngả, nhưng trong cảm thương, chàng và nàng vẫn tâm sự vẫn hàn huyên, trìu mến nhung nhớ ...

Anh vẫn chờ em ở cõi âm
Cho dù lâu đến cả trăm năm
Lời xưa ước hẹn không cùng sống
Thì kiếp sau này sẽ sống chung
(Dòng Sông Định Mệnh)  

Câu truyện thơ của một Dòng Sông Định Mệnh đã man mác chứa đựng những nỗi niềm tâm trạng thầm kín thiết tha sôi nổi của mộng ảo chập chờn, của giả tưởng huyền hoặc, những câu thơ kết hợp bằng hương ngát của quá khứ và hồi tưởng, ẩn hiện bóng hình chập chùng sương lụa….

Thuở ấy đất trời cũng đảo điên
Rộn ràng theo dấu một loài chim
Vì em tên gọi loài chim ấy
Tên đã đi vào trong trái tim

Phải chăng trái tim đó đã mang bóng dáng của một loài hoa mong manh của đa sầu đa cảm đa tình, nhẹ nhàng như một sợi tơ đàn khẽ chạm vào là ngân lên những tiếng da diết tiếc thương cho cuộc tình đã vỡ …. Câu chuyện tình đã bắt đầu từ một dòng sông … bất cứ một người nào đã sống ở Huế, đến Huế một thời gian để làm việc, dừng chân thăm Huế , thì lúc ra đi, phải xa Huế, thì một hình bóng sẽ luôn mãi nằm trong trí tưởng họ phải là hình bóng của một dòng sông lặng lờ xuôi mái … dòng sông đó có tên là Hương Giang .. với cầu Trường Tiền sáu vài tri kỷ lặng im soi bóng , dưới cơn mưa bụi giăng đầy, những cơn sóng nhỏ cồn cào nỗi nhớ, khua động mái chèo, xao xuyến với tiếng hò Nam Ai khiến người đi sẽ nhớ mãi không quên …Con đò khoan nhặt cùng với sóng nước bồng bềnh ..Con sông đó chính là trái tim của Huế, là linh hồn Huế, là đôi mắt Huế, là giọng nói Huế, là nỗi lòng Huế , là tất cả những gì rất Huế… đã bắt đầu cho một câu chuyện tình thương tâm …Dòng Sông Định Mệnh …. đêm đêm đã chở những câu hò tiếng hát, những vì sao xấu số đi về một khung trời miên viễn nào đó …Một dòng sông sâu muôn thuở với những chuyến đò của ước hẹn chờ mong …. đã khơi dậy lại những hy vọng muộn màng rất mong manh của một thuở xa xăm có hương gió gầy gật mùi nhớ của một thời hương lửa mặn nồng, của tuổi thanh xuân tiếc nuối, của mối tình học trò dang dở, tất cả ngầy ngật đã ấp ủ thành men thơ của chua xót, của phân ly và đoạn trường xa cách…

Anh để tôi yên có được không ?
Khơi chi sóng dậy của giòng sông
Mà tôi đã cố ngăn con nước
Mười mấy năm rồi anh biết không
(Tôi Đem Dệt Lấy Làm Vuông Vải)

Không gian của cuộc tình đó là khung trời nửa mê nửa tỉnh chỉ có trong thiên đường ký ức, đầm ấm ngọt ngào mát dịu như những hạt mưa Huế lâm râm trên những nỗi cô đơn thầm kín. Tình yêu bát ngát và thăm thẳm trên những ngôn từ vi diệu mềm mại chân thành và sống động …
    
Quá khứ qua rồi em nhớ không?
Từ khi em vội vã theo chồng
Sau lưng bỏ lại dòng sông cũ
Bỏ lại cuộc tình phải thế không?
(Dòng Sông Định Mệnh)

Những câu thơ đó bềnh bồng mây trôi, dập dềnh sóng nước của kẻ đầu sông người cuối sông mà con nước u hoài ưu uất vẫn trôi mãi trong tiếng kêu hớt hãi của cánh chim trời gọi nhau .. trong nuối tiếc lỡ muộn của cuộc tình gầy guộc xanh xao trao nhau một thuở nào … Phải đau buồn như vết dao cắt , phải trải nghiệm qua thú đau thương thắm thía mới có thể viết nên những câu thơ da diết hoang dại cõi lòng …

Mấy chục năm rồi còn nhớ không ?
Ngày xưa em ở tít đầu sông
Muốn nhờ lá thắm mang thư tới
Khốn nỗi nhà anh tận cuối giòng

Đó là những dạo khúc trong hoàng hôn, ngân lên những âm thanh mơ hồ vời vợi chua xót cho cuộc đời đã đánh mất, cho cuộc tình rời xa tầm tay với..

Có bữa hẹn em từ sáng sớm
Qua đò Thừa Phủ để sang sông
Sương thu vây trắng con thuyền nhỏ
Cho đến bây giờ em nhớ không ?  

Huế thơ, Huế mộng, Huế thương, Huế nhớ, Huế của đài các, của kiêu sa, của những cô thiếu nữ hồn nhiên e thẹn nghiêng che vành nón lá, của những tà áo tím thướt tha, của những buổi chiều nắng tàn rơi rụng sân trường… Huế của sông Hương núi Ngự, của bến đò Thừa Phủ khua động mái chèo, của những hàng cau quấn quít hương nồng, của những đồng mạ xanh với nụ hoa vàng mới nở, của đường vô Thành Nội phượng hồng rơi lả tả, của những thành quách cũ nghiêng mình soi bóng nước, của những hồi chuông Thiên Mụ rền rĩ xa xa … Huế muôn đời là đó, là dâng hiến cho tình yêu và hy sinh cho tình yêu …

Thẹn thùng em cố nghiêng vành nón
Lại lén nhìn người qua kẽ tay
Anh muốn điên người và náo nức
Yêu em từ đó đến hôm nay

Tháng ngày chờ đợi và lo lắng
Em vẫn lặng im em vẫn cười
Vẫn nghiêng vành nón khi anh đón
Vẫn nét ngây thơ chết điếng người
(Dòng Sông Định Mệnh)

Những câu thơ mang những tình ý riêng, một bản sắc riêng như những cảm xúc lạ lùng , ngọt ngào và êm ái tự nhiên bật lên thành lời, thăm thẳm vào tận ngóc ngách của tâm sựï thầm kín , một cách đằm thắm chân tình, say đắm thiết tha qua những hình ảnh đẹp và sống động vô cùng :

Cái phút làm cho Huế vỡ tung
Làm cho nhã nhạc tận không trung
Làm cho hoa nở đầy trần thế
Làm đỏ môi em, má phớt hồng

Hoặc phơi bày những cảm xúc bồi hồi, xao xuyến, bần thần, của ghen tuôn hờn dỗi bấy lâu nay đã chịu đựng đè nén, ẩn náu , khi có dịp tuôn trào như sóng nước dập dềnh trên sông ..

Anh ghen với gió vờn lên tóc
Với nắng đang ôm dáng lúc ngồi
Với hạt mưa phùn đong đã rớt
Vuốt ve mơn trớn ở trên người
(Dòng Sông Định Mệnh)

Những mối tình đầu thường tan vỡ...Rồi đời chia những nhánh sông, mỗi người mỗi ngả, nhưng khó quên được kỷ niệm của cái thuở ban đầu lưu luyến ấy cho dầu với hờn giận, oán trách. Khi nàng với khăn vành, áo đỏ, pháo vu quy, chàng ôm hận của kẻ bị tình phụ. Rồi 40 năm sau, vô tình đọc được những lời tâm sự đẫm lệ của người xưa chàng mới vỡ lẽ ra chính mình là kẻ phụ tình. Ai phụ tình ? ai bị tình phụ ? trong cái ngậm ngùi của cuộc đời huyễn hoặc phù du với bao nghịch cảnh chua chát mà con tim tình yêu không bao giờ lý giải được …  

Em vẫn ôm hoài nỗi trống không
Hoang mang vây kín khổ vô cùng
Chung quanh đầy cả hương tình cũ
Nghĩ đến mà đau đớn cả lòng
(Dòng Sông Định Mệnh)

Những sợi tình mong manh như sương khói phù du tưởng chừng đã chết lịm qua năm tháng già cỗi của đời thường với ngậm ngùi, trăn trở, u uất bỗng nhiên đã lai láng sống lại thật tình cờ … Những sợi tình đó trở thành những nhịp tim sôi nổi từng hồi, biến thành những ”tóc mai sợi vắn sợi dài .. thương nhau chẳng đặng nhớ hoài ngàn năm …”

Gởi trả cho anh cả cuộc đời
Kiếp này không sống được thì thôi
Xin cho mai mốt khi em chết
Em sẽ hóa thành sợi tóc mai .
(Trả Lại Cho Anh)

Một sợi tóc mai, sợi chỉ hồng
Lời xưa anh nói nhớ hay không
Tóc em làm gối khi anh chết
Dệt vải liệm người sống thủy chung
 (Mai Em Về Huế)

Khác với cái ước vọng cuối cùng của người thơ tiền chiến TTKh là chỉ thốt lên: "Cho tôi ép nốt dòng dư lệ/ Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên...” nhưng trải qua những nỗi niềm đau khổ trong quá khứ tình trường, đầy than van trách móc hận thù trút cho người tình cũ mà nàng đã nghĩ rằng đã phản bội nàng, lời ước nguyện cuối cùng của người nữ trong thơ Á Nam bộc phát rất ư là thảm sầu và khiếp sợ hơn ...

Tôi hận quá rồi anh biết không?
Bao nhiêu đau đớn ở trong lòng
Tôi đem dệt lấy làm vuông vải
May áo liệm người chẳng thủy chung.."
(Tôi Đem Dệt Lấy Làm Vuông Vải)

Tiếng gọi của thơ là tiếng nói đặc trưng tình yêu của người đối với người, như loài chim đã cất tiếng hót yêu thương gọi nhau, như loài bướm đã vờn đôi cánh để vẫy gọi nhau … nhưng tiếng thơ đã trở thành tiếng lòng dễ thông cảm khi những tâm hồn đồng điệu gặp nhau… Thi sĩ kiêm họa sĩ Bạch Ngọc, chưa một lần quen biết với nữ sĩ Á Nam, rất xúc động khi đọc bài thơ của Á Nam và đã họa thành bài thơ “Đóng Nắp Chôn Tình Giữ Thủy Chung”

Tiếc quá vuông tình có hóa không!
Cả rừng thu mục tận trong lòng
Tôi lôi gỗ đẽo thành linh cữu
Đậy nắp chôn tình giữ thủy chung
(Bạch Ngọc)

Cũng như thi-sĩ Hải Vân đã thông cảm với cái thống khổ triền miên của người tình phụ phải ôm ấp trái tim rát bỏng như lửa cháy, với đôi mắt rướm lệ đáng cay bồ hòn, cũng đã phải thốt lên những dòng thi họa:

Uẩn khúc đời tôi anh thấu không?
Cuồng dâng sóng hận nát tan lòng
Tôi gom lá úa từng thu chết
Nhóm lửa thiêu tình đã cáo chung …
(Hải Vân)

Nhưng dù có “may áo liệm người”, “đậy nắp chôn tình”, hay “nhóm lửa thiêu tình” … thì cũng chỉ là những lời uẩn ức, than van, trách móc, hờn giận trong phút giây choáng váng ngút ngợp của tâm hồn mà thôi … và bóng hình của người tình cũ vẫn phảng phất đâu đây trong tâm tưởng dù ở chân trời góc bể nào, dù làm thân lữ thứ ở một quán trọ tha phương xa lắc xa lơ nào đó, hay lạc lẫm trên trăm con phố lạ u mê … Hãy đọc những vần thơ kiều diễm, nhẹ nhàng, mát dịu và êm ái đầy nhớ nhung trong một khung trời mơ hoa mộng bướm của nữ sĩ Á Nam qua bài Dã Quỳ với những câu thơ rung động trữ tình quyến rũ làm xao xuyến người đọc:

Dã quỳ vàng rực lối nhà ai
Phố núi hơi sương trắng ngập trời
Dốc vắng ngàn thông xanh đứng lặng
Ven hồ lác đác lá vàng rơi
Tình xưa ẩn hiện lưng triền núi
Lối cũ quanh co soải dưới đồi
Người ấy chừ còn hay đã mất
Mà sao thương nhớ vẫn không nguôi …
(Dã Quỳ - Đalat tháng 6 /1994 - Á Nam)
    
Trong cõi thơ của Nam Á, chúng ta đã tìm thấy được cái không gian rạn vỡ ba chiều, ba hướng … một chiều sâu của nội tâm dằn vặt đay nghiến, một chiều ngang của hiện hữu với cuộc sống bình thường chấp nhận số phận như một định mệnh an bài sẵn, và một chiều cao mông lung bát ngát của cõi nhớ muôn trùng, của hoài niệm chập chờn. Trong cái không gian ba chiều đó chúng ta vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây tiếng hò, câu hát, lời ca, tiếng khóc, tiếng cười, âm thanh và giọng nói của một âm hưởng Huế thiết tha vời vợi …. lãng đãng sương khói trong ký ức dĩ vãng ngậm ngùi . Hồn thơ đã đến một cách tự nhiên không kiềm chế, đã bộc phát ngẫu hứng , chợt đến, chợt đi như một sự tình cờ, như một cuộc tình không chờ đợi, không hẹn trước .. Tất cả đã qua như thời gian có bao giờ níu kéo lại được. Cuộc tình đẹp đã khơi nguồn dẫn mạch cho dòng thơ tuôn trào …, là cội nguồn rung cảm cho những tình khúc trong thơ Á Nam.


Đọc xong câu chuyện thơ “Dòng Sông Định Mệnh” của nữ sĩ Á Nam, tôi tự hỏi nguyên nhân nào đã đưa đẩy nhà thơ viết lên một câu truyện tình thương tâm như vậy ? Chị đã lấy cảm hứng từ đâu? Phải chăng đây là tâm sự riêng của tác giả? mà tác giả đã trải qua trong cuộc sống ?

Chắc chắn người đọc đã có khi nghĩ rằng Á Nam đã lấy cảm hứng khơi nguồn từ chính bản thân và cuộc sống của tác giả.. Nhưng không phải vậy đâu. Nguồn thơ đó đã bộc phát từ cái quan hệ thông cảm giữa con người với con người..Một nhà phê bình văn học đã từng nói rằng: "Đã đến thời tất cả các nhà thơ có quyền và có bổn phận chủ trương rằng họ hoà mình sâu xa vào đời của người khác, vào cuộc sống chung…”

Rõ ràng nhân vật trong thơ Á Nam và nữ sĩ Á Nam hoàn toàn khác biệt … Nữ sĩ Á Nam sinh ra và lớn lên ở Huế, là cựu nữ sinh Đồng Khánh, tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa Huế, sống trong một gia-đình đầm ấm hạnh phúc. Nhưng Á Nam là một con người rất hăng say trong các công tác thiện nguyện cứu trợ xã hội… và chính trong những lần tiếp xúc gặp gỡ trong các công tác xã hội, Á Nam đã được tận mắt nhìn thấy, tận tai nghe được những hoàn cảnh bi tâm, thảm thương của hình ảnh một người phụ nữ, một người bạn gái bất chợt bắt gặp trên đường đời, trong một bối cảnh xã hội ngặt nghèo éo le nào đó … Hình ảnh đó, hoàn cảnh đóù cứ ám ảnh tác giả và cuộc sống với số phận đó theo dòng mực tuôn trào theo liên tưởng ngẫu hứng đã trở thành nhân vật trong câu truyện thơ …

Người thơ đã tìm thấy được cái “bản lai diện mục” của chính bản thân mình hòa nhịp với tâm hồn đồng điệu của tha nhân. Cái chất liệu sáng tác đã thu lượm và khởi phát từ đời thường .. và chỉ có đức tính nhân bản, trái tim bác ái yêu thương đồng loại cộng hưởng với tâm hồn thơ mẫn tuệ mới diễn đạt thành hương vị thơ để chia sẻ, an ủi, cảm thông với những con người chịu hắt hủi của số phận và gặp cảnh lầm than không may trên đời thường .. Và nhờ có tâm hồn thơ nhậy cảm trời ban đó mà ..

Á Nam đã dễ dàng thông cảm được nỗi niềm của cuộc tình ngang trái của người phụ nữ, đã biết đặt mình vào tâm trạng của họ, biết rung động, biết suy nghĩ và từ đó bắt nguồn cảm xúc mà sáng tác với kỹ thuật xử dụng ngôn ngữ sáng tạo một cách tài tình, mong rằng những vần thơ có thể trở thành liều thuốc hàn gắn vết thương lòng và giải tỏa nỗi niềm u uất …Á Nam đã có ý thức xã hội , tinh thần xã hội và diễn dạt tâm tư dựa trên căn bản triết lý xã hội.. Mặc dầu Á Nam đã khiêm nhượng không nhận mình là nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng Á Nam có một tâm hồn thơ rất thơ chìm đắm trong trong cái bản tính điềm đạm ôn nhu, cái phong cách mềm mại và duyên dáng mỹ miều phương Đông, và hơn nữa Á Nam còn có năng khiếu làm thơ khá dễ dàng, không cần phải ngẫm nghĩ nhiều, cân nhắc từng câu từng chữ và vì thế câu truyện thơ “Dòng Sông Định Mệnh” được thành hình tự nhiên và được đón nhận nồng nhiệt của các độc giả yêu thơ muôn phương cũng không phải là điều ngạc nhiên vậy ..Và đó chính là đặc tính nhân bản trong tâm hồn thơ Á Nam.

Hàn Giang DC
 

nhạc đệm: Hai Sắc Hoa Ti Gôn, giọng ca Hoàng Oanh